Dinh dưỡng chuẩn cho mẹ bầu – Kì 1: Ăn « cho 2 người » không phải là ăn “gấp đôi”

Một trong những lời khuyên đầu tiên mà bạn nhận được khi thông báo mình mang thai chắc chắn là về vấn đề ăn uống. Cơ thể bạn cần nhiều năng lượng hơn. Bạn cũng cần nhiều protein, sắt, canxi và axit folic hơn trước khi mang thai. Ăn uống thực phẩm lành mạnh cũng chưa bao giờ lại quan trọng đến thế, nhất là khi bạn còn phải « ăn cho hai người ». ✘« Ăn cho hai người »  hoàn toàn không phải là « ăn gấp đôi » như nhiều người Việt Nam vẫn thường nghĩ (việc đó thậm chí còn có thể có hại cho mẹ và bé.

✔︎« Ăn cho hai người » – có nghĩa là các loại thực phẩm bạn tiêu thụ là nguồn dinh dưỡng cho chính bạn và cho cả em bé nữa. Công thức tốt nhất là bữa ăn hợp lý, cân bằng kết hợp với tập thể dục thường xuyên trong quá trình mang thai.

∴ Em bé của bạn không hề khoẻ hơn khi mẹ tăng cân nhiều hơn

Cân nặng bạn nên đạt được trong thời kỳ mang thai phụ thuộc vào chỉ số khối cơ thể (BMI) trước khi mang thai (xem thêm bài viết về BMI).

Viện Y học Mỹ (2009) đưa ra những hướng dẫn sau1:

Cân nặng của mẹ trước khi mang thai Số cân nên tăng khi mang thai
Cân nặng bình thường BMI = 18,5 – 24,9 Tăng 11,4 – 15,9 kg
Thiếu cân                        BMI < 18,5 Tăng 12,7 – 18,2 kg
Thừa cân                        BMI = 25 – 29,9 Tăng 6,8 – 11,4 kg
Béo phì                           BMI > 30 Tăng 5 – 9,1 kg
Song thai Tăng 16 – 20,5 kg

Hãy xin lời khuyên từ bác sĩ để biết được bạn cần tăng cân bao nhiêu trong thai kỳ đối với thể trạng và sức khỏe của bạn.

Ngoài ra, bạn nên điều chỉnh tăng cân dần dần trong quá trình mang thai, và đạt được mức cân nặng cần thiết trong 3 tháng cuối. Sau đây là những khuyến nghị tăng cân chung của bác sỹ dành cho phụ nữ trong thai kỳ:

1 kg trong ba tháng đầu tiên   → 5kg trong ba tháng giữa → 6kg trong ba tháng cuối

Những nghiên cứu gần đây cho thấy hiện nay phụ nữ thường vượt quá mức cân nặng cần thiết trong thai kỳ. Điều này không chỉ khiến người mẹ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giảm cân sau khi sinh mà còn làm tăng nguy cơ béo phì sau 10 năm. Một nghiên cứu khác thậm chí còn chỉ ra rằng việc bạn thừa cân trong thời kỳ mang thai làm tăng nguy cơ mắc béo phì ở con bạn trong tương lai.

Nếu bạn thấy rằng bạn đang tăng cân quá nhanh, hãy cố gắng giảm bớt thực phẩm có đường và chất béo có hại (chất béo bão hòa, chất béo trans). Nếu không đạt được trọng lượng đủ, bạn có thể ăn nhiều hơn một chút một cách cân bằng từ mỗi nhóm thực phẩm khác nhau.

✪ Em bé cần năng lượng có dinh dưỡng chứ không cần những « bình chứa calo »

Nhu cầu calo phụ thuộc vào mục tiêu tăng cân của bạn. Hầu hết phụ nữ cần thêm 300 calo/ngày trong ít nhất sáu tháng cuối cùng của thai kỳ so với trước khi mang thai. Hãy nhớ rằng không phải loại calo nào cũng giống nhau. Em bé cần thực phẩm lành mạnh nhưng vẫn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng – không phải là loại thực phẩm “rỗng calo” như nước ngọt, bánh kẹo, và bánh gatô.

Mặt khác, một chế độ ăn kiêng khắc nghiệt sẽ không tốt cho em bé của bạn. Nếu bạn không có đủ lượng calo cần thiết, em bé có thể bị thiếu protein, vitamin, và khoáng chất. Thêm vào đó, chế độ ăn ít calo có thể phá vỡ các chất béo dự trữ ở phụ nữ mang thai, khiến cho cơ thể tạo ra chất ketone. Nếu như tìm thấy ketone trong máu và nước tiểu của người mẹ thì chắc chắn đây là một dấu hiệu cơ thể đang bị đói. Các nghiên cứu chỉ ra rằng ketone được sản xuất liên tục trong cơ thể mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào não đứa trẻ, ảnh hưởng đến trí thông minh và khả năng học tập sau này6. Mặc dù có một số nghiên cứu khác không xác nhận những phát hiện này, các bác sĩ cảm thấy an toàn hơn khi kiểm tra lượng ketone và tránh chúng bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc các thuốc của bạn.

Với các chị em có chế độ ăn đặc biệt do mắc các bệnh sau, hãy xin ý kiến bác sĩ:

  • Bệnh tiểu đường: xem xét kế hoạch cho bữa ăn của bạn và đảm bảo lượng insulin cần thiết với bác sỹ. Đường huyết quá cao sẽ gây ảnh hưởng đến em bé.
  • Bệnh không dung nạp lactose : chú ý sử dụng các sản phẩm chứa ít hoặc giảm lactose, nhưng cũng đừng quên bổ sung canxi cần thiết để đảm bảo đủ lượng canxi trong thai kỳ.
  • Ăn chay : hãy đảm bảo rằng bạn vẫn cung cấp đầy đủ chất đạm, sắt, vitamin B12, và vitamin D cho cơ thể.
  • Bệnh  phenylceton niệu (PKU) : kiểm soát mức độ phenylalanine trong chế độ ăn uống. Hãy chú ý các thực phẩm ăn vào không chứa chất này, cũng như lưu ý đọc nhãn sản phẩm vì phenylalaine có trong rất nhiều loại thực phẩm như ngũ cốc, thịt, sữa, kẹo cao su…Trong trường hợp này, nhận tư vấn và lời khuyên của bác sĩ là cần thiết.)

 

Xem thêm kì 2: Dinh dưỡng chuẩn cho mẹ bầu – Kì 2: Ăn « cho 2 người » – mẹ ăn con khoẻ

 

Trang thông tin Dinh Dưỡng chuẩn.

Xin để nguồn gốc, cùng đường dẫn đến bài viết trên trang dinhduongchuan.com nếu bạn có nhu cầu đăng lại một phần hay toàn bộ thông tin.

Bình luận (Bằng tài khoản Facebook của bạn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *